chỉ số p/e là gì? Cách sử dụng và ví dụ chi tiết

0
1227
Chỉ số P/E là gì
Chỉ số P/E là gì

1. Chỉ số P/E là gì?

P/E – Price to Earnings ratio – Hệ số giá trên thu nhập là một trong những chỉ số phân tích mối quan hệ giữa giá cổ phiếu (price) và thu nhập trên một cổ phiếu đó (EPS).

Xem thêm: Chỉ số EPS là gì?

2. Ý nghĩa của chỉ số P/E

Hệ số P/E là một trong những chỉ số rất quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán mà các nhà đầu tư thường dùng để phân tích. P/E cho thấy giá cổ phiếu trên thị trường cao hay thấp hơn bao nhiêu lần so với thu nhập từ cổ phiếu, hoặc nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập tương ứng là bao nhiêu.

3. Cách tính chỉ số P/E

Cách tính chỉ số P/E được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu trên thị trường hiện tại / thu nhập bình quân trên một cổ phiếu mà doanh nghiệp trả cho nhà đầu tư trong năm tài chính gần nhất.

P/E = Price/ EPS – giá cổ phiếu trên thị trường hiện tại / thu nhập trên một cổ phiếu.

4. Đánh giá chỉ số P/E bao nhiêu là tốt

Chỉ số P/E cao hay thấp thể hiện sự kỳ vọng thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải chỉ số P/E càng cao càng tốt hay P/E càng thấp càng tốt. Nó không phải một quy chuẩn nhất định áp dụng cho mọi cổ phiếu.

Chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu nhà đầu tư chỉ phân tích một mình nó. Cần phải so sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp với chỉ số P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của doanh nghiệp.

4.1 Chỉ số P/E cao

Thông thường với những nhóm cổ phiếu mạnh như VN30 có chỉ số P/E rất cao thu hút nhà đầu tư rất lớn. Tuy nhiên có một số cổ phiếu chỉ số P/E cao lại thể hiện cho việc kinh doanh kém hiệu quả khiến chỉ số EPS thấp (thậm chí = 0).

4.2 Chỉ số P/E thấp

Chỉ số P/E thấp cũng có trường hợp do doanh nghiệp gần đây hoạt động hiệu quả hơn thời gian trước dẫn tới EPS tăng nên P/E giảm so với trước dù làm ăn hiệu quả hơn. Đây cũng là trường hợp cổ phiếu bị định giá thấp, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào.

Tuy nhiên cũng cần phải xem xét rõ khoản lợi nhuận gia tăng của doanh nghiệp có phải bất thường hay không như thanh lý tài sản, bán công ty con,… Những khoản lợi nhuận này không bền vững, không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và trong tương lai nó khó có thể lặp lại.

P/E thấp còn có thể do nhóm cổ đông nắm lượng lớn cổ phiếu bán cổ phiếu ra gây giảm giá cổ phiếu.

5. Ví dụ về chỉ số P/E

5.1 Chỉ số P/E của VNM

P/E của CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) luôn duy trì ở mức cao trong các năm qua. Thậm chí còn cao hơn trung bình toàn thị trường.

Chi-so-PE-cua-VNM

Thực tế cũng đã chứng minh, mua cổ phiếu VNM với P/E cao là một sự lựa chọn đúng đắn. Giá cổ phiếu VNM liên tục tăng kể từ khi niêm yết.

Chi-so-PE-cua-VNM

Như vậy, ý nghĩa chỉ số P/E cao của VNM là: Triển vọng của VNM trong tương lai rất tốt. Vì thế nhà đầu tư sẵn sàng trả đến 30 đồng cho 1 đồng lợi nhuận của VNM.

5.2 Chỉ số P/E của ROS

Hiện chỉ số P/E của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) là 94,57.

Chi-so-PE-cua-ROS

Cũng cao đấy chứ nhỉ! Thậm chí còn gấp 3 lần mức P/E của VNM.

Đừng vội mừng…

P/E = 94, nghĩa là bạn sẽ phải đợi gần 1 thế kỷ mới có thể thu hồi vốn, hoặc…

…bạn đang tin tưởng rằng, trong tương lai ROS sẽ là một “Amazon” thứ hai.

Vốn dĩ, chỉ số P/E của ROS cao như vậy là do EPS của doanh nghiệp quá thấp, chỉ khoảng 340 đồng/CP, trong khi giá cổ phiếu gần 32.000 đồng

Bạn chắc hẳn sẽ nhận ra ROS trong trường hợp này: vượt rất xa so với giá trị thực.

Nếu nắm giữ ROS lâu dài…

Tôi tin rằng, bạn sẽ sớm trở thành David Copperfield thứ hai, một ảo thuật gia với khả năng biến “Tiền vàng thành giấy lộn”.

Nên cân nhắc khi đầu tư vào những cổ phiếu có P/E hơn “nửa đời người”

5.3 Chỉ số P/E của QNS

CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) hiện đang giao dịch với mức P/E là 9.x

Chi-so-PE-cua-QNS

Thậm chí mức P/E này còn thấp hơn chính nó trong quá khứ.

https://govalue.b-cdn.net/wp-content/uploads/2018/10/QNS-Dam-dong-dang-tieu-cuc-phan-anh-muc-gia-hap-dan-PE-ratio.jpg

Lý do mà QNS hiện đang bị định giá thấp như vậy là vì…

Thị trường hiện đang có những đánh giá khá tiêu cực về khả năng tăng trưởng và thị phần ở cả 2 mảng kinh doanh chính (mảng Sữa đậu nành và mảng Đường) của QNS.

6. Ưu điểm của chỉ số P/E

6.1 Phản ánh kỳ vọng của đám đông

Xét đến yếu tố thị giá cổ phiếu – yếu tố có tác động mạnh nhất đến sự biến động của chỉ số P/E dựa vào tâm lý và dòng tiền của thị trường. Vì thế, chỉ số P/E phản ánh nhiều về kỳ vọng của đám đông vào cổ phiếu hơn là giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Dù vậy một cổ phiếu tăng giá về lâu về dài phải phụ thuộc vào cả giá trị nội tại và kỳ vọng của đám đông. Chỉ số P/E sẽ là khởi đầu tốt để giúp bạn có nhận định nhanh về việc cổ phiếu có đang bị thổi giá quá đáng hay không (!)

Theo lý thuyết, cổ phiếu có thể tăng giá trong tương lai khi EPS tăng (P/E không đổi) hoặc mức kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng (P/E tăng).

6.2 Thước đo tâm lý của toàn thị trường

Thời điểm cuối 2017, khi tâm lý đám đông quá hưng phấn, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường (trong khi EPS của doanh nghiệp chưa tăng) đã đẩy giá cổ phiếu lên mức đỉnh, khiến chỉ số P/E toàn thị trường sau khi vượt 22 lần. Sang đến quý 1/2018, chỉ số P/E được điều chỉnh xuống còn 17,5 lần vì nhà đầu tư “chốt lời” khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Cuối năm 2020, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm khiến chỉ số P/E toàn thị trường tiếp tục “dậy sóng”.

So sánh chỉ số P/E của cổ phiếu so với P/E toàn thị trường sẽ giúp các bạn nhận biết dấu hiệu mua vào – bán ra của thị trường (điều này không hề đơn giản).

Bạn có thể tự so sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp so với chính nó trong khoảng 10 năm, và tương tự với chỉ số P/E của toàn thị trường để biết cổ phiếu đang đắt hay rẻ.

7. Nhược điểm của chỉ số P/E

P/E bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận bất thường

Do P/E được tính dựa trên EPS, mà EPS lại phản ánh LNST của doanh nghiệp. Sẽ thiếu sót nếu bạn chưa đánh giá chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp có bền vững hay không.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lợi nhuận tăng đột biến, phục vụ cho lợi ích đẩy chỉ số EPS tăng lên. Do đó, hãy cẩn trọng loại bỏ các khoản lợi nhuận bất thường khi tính toán chỉ số EPS.

Không áp dụng với doanh nghiệp thua lỗ

Nếu doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả và xảy ra thua lỗ (EPS âm) thì chỉ số P/E không sử dụng được. Chỉ số giá trị ghi số BVPS và P/B sẽ là cặp chỉ số thay thế hiệu quả hơn.

8. Các phương pháp định giá sử dụng chỉ số P/E

8.1 Phương pháp so sánh tương đối

Không tập trung vào xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp, phương pháp so sánh tương đối (Relative PE) sử dụng kết quả so sánh chỉ số định giá như P/E giữa các doanh nghiệp cùng ngành, trung bình ngành và toàn thị trường để tìm ra những doanh nghiệp đang bị định giá thấp trong tương quan với các doanh nghiệp khác.

Ưu điểm chung của phương pháp này là đơn giản, đòi hỏi ít giả định và nhanh gọn hơn so với định giá tuyệt đối. Hơn nữa, phương pháp so sánh phản ánh tình hình của thị trường trong ngắn hạn tốt hơn vì nó đo lường giá trị tương đối chứ không phải giá trị nội tại (thứ chỉ có thể nhận biết được trong dài hạn).

8.2 So sánh P/E giữa hiện tại và quá khứ của một cổ phiếu

Phép so sánh này nhằm trả lời câu hỏi: cổ phiếu có đang rẻ hơn so với chính nó trong quá khứ hay không?

Chỉ số P/E thường tuân theo quy luật mean-inversion, tức là quay về mức trung bình trong dài hạn sau một thời gian biến động tăng/giảm.

Để tìm mức trung bình dài hạn P/E của một cổ phiếu, bạn sẽ thống kê P/E trong khoảng thời gian 5 năm. Sau đó sử dụng hàm AVARAGE để tính giá trị P/E trung bình của 5 năm, kết hợp với hàm STDEV để tính độ lệch chuẩn (thực hiện trên MS Excel).

Để lấy số liệu P/E của một cổ phiếu, bạn có thể truy cập TVSI, nhập mã cổ phiếu, chọn “Báo cáo tài chính”, tiếp đến chọn “Chỉ tiêu tài chính”, tìm đến mục chỉ số P/E. TVSI thống kê số liệu theo quý và năm và có file excel để tải về.

8.3 So sánh P/E với các đối thủ cùng ngành và trung bình ngành

Đối so sánh với các cổ phiếu đối thủ cùng ngành tại TTCK Việt Nam, bạn có thể xem thống kê có sẵn trên cafef.vn.

Nhưng hãy tránh tư duy “lệch” vì mỗi doanh nghiệp tuy cùng ngành nhưng thị phần, cấu trúc vốn, mô hình hoạt động, rủi ro và lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp không hoàn toàn giống nhau. So sánh P/E của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – doanh nghiệp chiếm hơn 30% thị phần thép xây dựng với CTCP Thép Pomina (POM) – chiếm 7% thị phần là khá khập khiễng.

Và tuyệt đối không so sánh P/E của các doanh nghiệp khác ngành. Không thể so sánh P/E của một doanh nghiệp sản xuất như HPG với một doanh nghiệp dịch vụ như CTCP FPT (FPT).

Đối với số liệu P/E trung bình ngành, bạn có thể tham khảo các website như: TVSIStockbiz.vn. Trường hợp thị trường đang “tăng giá” hoặc “giảm giá” quá mức (biến động mạnh trong thời gian ngắn), việc so sánh với P/E trung bình ngành sẽ không còn chính xác.

8.4 So sánh với P/E toàn thị trường

P/E toàn thị thị trường chính là thước đo tâm lý, thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của TTCK. Năm 2021, khi tâm lý thị trường quá hưng phấn, dòng tiền mới của các nhà đầu tư đổ vào TTCK Việt Nam khiến chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, P/E toàn thị trường hơn 18 lần, margin tăng cao khiến rất nhiều mã cổ phiếu tăng giá, thậm chí cả những cổ phiếu “rác” (!)

Việc so sánh P/E của một cổ phiếu với P/E toàn thị trường sẽ giúp các bạn nhận biết dấu hiệu nên mua vào khi một cổ phiếu đang bị trả mức giá thấp hơn giá trị thực (nội tại) của nó và nên bán ra khi giá cổ phiếu đang ở mức giá cao hơn giá trị thực.

So sánh với tốc độ tăng trưởng thu nhập

Những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư tăng trưởng thường so sánh chỉ số P/E với tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS của cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư với giá hời. Việc so sánh được thực hiện thông qua chỉ số PEG.

8.5 Phương pháp Earnings Yield – Nghịch đảo chỉ số P/E

Khi chúng ta mua sắm hàng hóa, việc ra quyết định mua bán đều nằm ở chỗ hàng hóa đó đắt hay rẻ, nhưng “đắt” hay “rẻ” phụ thuộc vào cảm nhận của bản thân. Vấn đề ở đây là: Đắt so với cái gì? Rẻ so với cái gì?

Đầu tư cổ phiếu cũng vậy, bộ não chúng ta có 2 hệ thống nhận thức mà Daniel Kahneman gọi là hệ thống 1 và hệ thống 2: hệ thống 1 luôn đưa ra đánh giá rất nhanh mang tính cảm tính, hệ thống 2 thì đưa ra đánh giá chậm hơn, suy tính hơn, nhưng nhược điểm là rất lười hoạt động.

Khi nhìn thấy cổ phiếu CTCP Tập đoàn FLC (FLC) có thị giá 6.500 đồng, ngay lập tức hệ thống 1 đưa ra đánh giá là rẻ. Với cổ phiếu CTCP Vinhomes (VHM) có thị giá 100.000 đồng sẽ bị coi là đắt.

Dù muốn hay không nhưng đó luôn là cảm nhận ban đầu của bạn khi nhìn vào thị giá cổ phiếu. Khi tham gia vào TTCK thì đa số kết quả đánh giá dựa trên cảm nhận như vậy là sai.

Việc đánh giá mức độ đắt hay rẻ của cổ phiếu mang tính tương đối. Có nhiều phương pháp đánh giá nhưng để trực quan hơn bạn có thể sử dụng chỉ số lợi tức cổ phiếu (Earnings Yield).

Chỉ số này được tính bằng cách lấy thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chia cho thị giá (Price), hay nói cách khác, là nghịch đảo của chỉ số P/E.

9. Lưu ý khi sử dụng chỉ số P/E

• Bạn không thể đánh giá chỉ số PE cao hay thấp là tốt, Chúng ta cần phải xem xét các yếu tố ảnh hưởng khác bên ngoài.
• Không nên chỉ coi trọng chỉ số P/E để quyết định đầu tư mua bán cổ phiếu.
• EPS có thể âm, lúc này P/E không có ý nghĩa về kinh tế, bạn phải sử dụng các công cụ tính toán khác để đánh giá.
• Lợi nhuận các công ty doanh nghiệp thường biến động không ngừng, do vậy hãy đánh giá để chắc chắn hơn, hãy đánh giá số liệu P/E trong khoảng thời gian dài từ 3 – 5 năm.

Như vậy qua bài viết này bạn đã hiểu rõ P/E là gì, cách ứng dụng chỉ số P/E vào thực tế. Hi vọng với kiến thức này sẽ giúp bạn thành công trên con đường đầu tư.

Bài viết có tham khảo trên Govalue và một số nguồn khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây