Sử dụng chỉ số RSI giúp nhà đầu tư dự đoán được xu hướng tăng hoặc giảm giá trong tương lai gần để xác định điểm vào lệnh mua hoặc bán chính xác nhất. Chỉ số RSI là gì và cách vận dụng kết hợp biểu đồ RSI trong giao dịch thế nào cho hiệu quả nhất? Bài viết này sẽ giúp bạn có được toàn bộ những thông tin hữu ích nhất về chỉ báo RSI.
1. Chỉ số RSI là gì
Chỉ số RSI là viết tắt của cụm từ đầy đủ: Relative Strength Index (có nghĩa là: Chỉ số sức mạnh tương đối). RSI là chỉ báo được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật với khả năng đo lường mức độ thay đổi của giá trị cổ phiếu so với những biến động về giá ở trong quá khứ. Chỉ số sức mạnh tương đối RSI thực hiện đo bằng cách so sánh giữa số ngày tăng điểm và số ngày giảm điểm trong một khoảng thời gian.
Chỉ số sức mạnh tương đối RSI được phát triển bởi J. Welles Wilder – tác giả của chỉ báo tiêu chuẩn ATR cho МТ4 và МТ5. Lần đầu tiên vào năm 1978, RSI được công bố trên tạp chí Commodities và sau đó vài năm, Wilder xuất bản cuốn sách “New Concepts in Technical Trading Systems” với những mô tả chi tiết hơn về RSI thông qua những ví dụ thực tiễn sinh động.
RSI hiển thị dưới dạng đồ thị di chuyển giữa hai điểm cực trị dao động từ 0 – 100, giúp các nhà đầu tư và nhà giao dịch xác định giá quá mua hoặc quá bán của thị trường.
RSI trong chứng khoán
RSI là một chỉ báo hỗ trợ tuyệt vời giúp nhà đầu tư “mua đáy” và “bán đỉnh” khi tham gia thị trường. Ưu điểm của RSI là giúp nhanh chóng phân vùng cổ phiếu quá mua và quá bán và sau đó, thông thường giá sẽ sớm đảo chiều theo hướng ngược lại (có thể bật lên, bật xuống).
Nguyên tắc nhất định phải nắm vững khi phân tích chỉ số RSI trong chứng khoán, đó là:
+ Khi RSI vượt qua đường 70 (vào vùng quá mua), đó là dấu hiệu cổ phiếu đang đạt đỉnh và sắp giảm.
+ Khi RSI đi xuống đường 30 (vào vùng quá bán), đó là dấu hiệu cổ phiếu gần chạm đáy và sắp tăng trở lại.
Dựa vào những quy luật từ phân tích chỉ số RSI, nhà đầu tư có thể tìm được những điểm mua và bán thích hợp nhất để kịp thời bắt đỉnh và bắt đáy hiệu quả.
RSI trong forex
Đối với thị trường ngoại hối Forex, chỉ báo RSI có giá trị vô cùng quan trọng giúp các nhà đầu tư đưa ra được quyết định mua và bán theo xu hướng chính xác và hiệu quả nhất. RSI trong Forex có những ý nghĩa sau:
+ Phân vùng quá mua và quá bán chính xác
Biên độ của RSI nằm trong ngưỡng từ 0 – 100, tức là khi RSI về gần 100 thì sức mua tăng và ngược lại, khi RSI về lùi về gần 0 thì sức bán tăng mạnh. Dựa vào đó, tương tự như đối với thị trường chứng khoán, RSI cũng được phân tích theo tiêu chí 30 và 70:
Đường RSI đạt đến 70 tức là đang vào vùng quá mua và ngược lại, RSI lùi xuống dưới 30 tức là đang vào vùng quá bán.
+ Dự đoán xu hướng giá tăng giảm trong tương lai gần
RSI có khả năng dự báo được xu hướng tăng và giảm trong tương lai gần với những chỉ số được thể hiện rõ ràng trên biểu đồ.
Xu hướng tăng khi RSI vượt trên ngưỡng 50 và có bước tăng mạnh khi bắt đầu qua khỏi đường 55.
Xu hướng giảm khi RSI chạm mốc dưới 50 và bắt đầu có đà giảm mạnh từ đường 45.
+ Xác định hình dạng phân kỳ và hội tụ giá
Với phương pháp nối đỉnh với đỉnh và đáy với đáy dựa trên RSI, ta có thể xác định được xu hướng này tương đối dễ dàng như sau:
Khi hai đường ra xa nhau tức là phân kỳ, giá sẽ đi theo xu hướng đảo chiều từ tăng cho tới giảm. Thời điểm này, các nhà đầu tư nên tạm dừng hoạt động bán ra và thay vào đó nên mua vào sẽ có lợi hơn.
Khi hai đường dịch chuyển gần nhau tức là hội tụ, giá sẽ đi theo xu hướng đảo chiều từ giảm tới tăng. Thời điểm này, các nhà đầu tư nên tạm dừng mua vào để chuẩn bị xác định thời điểm bán ra hợp lý.
2. Tín hiệu RSI là gì
Vùng quá mua và quá bán là gì?
Chỉ số RSI cung cấp cho nhà đầu tư 3 tín hiệu kỹ thuật vô cùng quan trọng để có thể đưa ra chiến lược giao dịch thuận lợi và hiệu quả nhất, bao gồm: vùng quá mua, vùng quá bán, hình dạng phân kỳ và hội tụ giá.
RSI quá bán là gì?
RSI quá bán (Oversold) là tình trạng xảy ra khi RSI di chuyển xuống dưới đường 30 và tiến gần về điểm 0, chứng tỏ dấu hiệu đang đi vào vùng quá bán. Khi đó, giá đang đi theo xu hướng giảm, đưa ra những tín hiệu dự báo thị trường có thể sẽ tăng trở lại trong tương lai gần.
RSI quá mua là gì?
RSI quá mua (Overbought) là tình trạng xảy ra khi RSI di chuyển vượt quá đường 70 và tiến gần đến ngưỡng 100, chứng tỏ dấu hiệu đang đi vào vùng quá mua. Khi đó, giá đang đi theo xu hướng tăng, báo hiệu thị trường có thể sẽ giảm trong tương lai gần.
Phân kỳ RSI (Divergence)
Tình trạng phân kỳ giá sẽ xảy ra 2 trường hợp phổ biến là: Phân kỳ RSI Bullish và Phân kỳ RSI Bearish. Dấu hiệu cụ thể của từng loại như sau:
+ Phân kỳ RSI Bullish: đưa tín hiệu của sự tăng giá mạnh khi giá đang có xu hướng giảm, đường RSI tăng.
+ Phân kỳ RSI Bearish: đưa tín hiệu của sự giảm giá khi giá đang có xu hướng tăng, đường RSI giảm.
3. Ý nghĩa RSI
Chỉ số RSI mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giúp nhà đầu tư xác định tín hiệu mua và bán. Ngoài ra, RSI còn mang những ý nghĩa sau:
– Xác định xu hướng tăng/giảm giá tương lai gần
+ Xu hướng tăng giá được xác định khi đường RSI vượt qua ngưỡng 50 (trong vùng 45 – 55) và có chiều hướng tăng vọt khi vượt qua ngưỡng 55.
+ Xu hướng giảm giá được xác định khi đường RSI chạm dưới ngưỡng 50 (trong vùng 45 – 55) và bắt đầu có chiều hướng đi xuống dưới ngưỡng 45
– Xác định tính phân kỳ và hội tụ của giá
Phân kỳ hội tụ giá với RSI cũng là một cách xác định xu hướng, giống như chỉ báo phân kỳ hội tụ MACD.
Sự phân kỳ của RSI và giá, báo hiệu một xu hướng sắp kết thúc và giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.
Khi phân kỳ chúng ta nối đỉnh – trên, hoặc dưới – dưới của giá & nối đỉnh – trên, hoặc dưới – dưới của đường RSI, chúng ta thấy chúng di chuyển ngược chiều nhau.
Chỉ báo dao động RSI giúp nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy các điều kiện quá mua hoặc quá bán trên thị trường chứng khoán. Nó đánh giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100 trong các khoảng thời gian lấy số 14. Khi RSI có điểm dưới 30, nó chỉ ra rằng giá của tài sản có thể gần chạm đáy (quá bán); Nếu RSI trên mức 70, điều đó cho thấy giá của tài sản đang ở gần mức đỉnh (quá mua) trong khoảng thời gian đó và có khả năng giảm.
Mặc dù khoảng thời gian mặc định của RSI là 14, các nhà giao dịch có thể điều chỉnh nó để tăng độ nhạy (khoảng thời gian ngắn hơn) hoặc giảm độ nhạy (nhiều khoảng thời gian hơn). Do đó, RSI 7 ngày sẽ nhanh nhạy hơn khi tiếp cận với các biến động giá so với RSI 21 ngày. Hơn nữa, thiết lập giao dịch ngắn hạn có thể điều chỉnh RSI để đặt 20 và 80 là mức quá bán và quá mua (thay vì 30 và 70), làm cho chỉ số giảm bớt khả năng cung cấp những tín hiệu sai.
4. Công thức tính RSI
Cách tính RSI dựa trên công thức sau:
RSI = 100 – 100/(1+RS)
Trong đó:
– RS là sức mạnh tương đối, được tính như sau: RS = AG/ AL
AG (Average Gain): trung bình tổng số kỳ tăng trong một quãng thời gian nhất định
AL (Average Loss): trung bình tổng số kỳ giảm trong một quãng thời gian nhất định
– RSI là giá đóng cửa của 14 ngày gần nhất.
Chỉ số RSI chia mức trung bình của các giai đoạn tăng giá cho mức trung bình của các giai đoạn giảm giá trong một khoảng thời gian xác định. Khoảng thời gian này thường được tính là 14 vì nó là 14 ngày trên biểu đồ hàng ngày, 14 giờ trên biểu đồ hàng giờ,… Nhưng đây chỉ là khuyến nghị cho cách tính phổ biến nhất và con số này còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà đầu tư.
5. Cách sử dụng RSI hiệu quả
RSI quả thực là một công cụ phân tích thị trường vô cùng tuyệt vời dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để có thể nắm vững và vận dụng hiệu quả chỉ số RSI vào hoạt động nghiên cứu và đầu tư, bạn nên theo dõi những hướng dẫn chi tiết đã được chúng tôi đúc kết ở dưới đây:
– Sử dụng chỉ số RSI kết hợp đa khung thời gian
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ thực hiện giao dịch trên khung thời gian H4 và xác định xu hướng dựa vào khung D1. Do đó, việc kết hợp chỉ số RSI với khung đa thời gian sẽ hỗ trợ rất tốt trong hoạt động phân tích. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Trên biểu đồ D1, xác định xu hướng giá có đang dịch chuyển vào vùng quá mua hay quá bán không.
+ Nếu RSI < 30 tức là quá bán, giá thị trường đảo chiều từ giảm sang tăng là thời điểm nên Mua.
+ Nếu RSI > 70 tức là quá mua, giá thị trường đảo chiều từ tăng sang giảm là thời điểm nên Bán.
Trong hình ảnh ví dụ trên, cặp AUD/USD tại vị trí khung D1 đang dịch chuyển tới vùng quá bán. Đường RSI < 30. Từ đó, nhà đầu tư có thể xác định xu hướng mua trên khung H4.
Bước 2: Xác định điểm vào lệnh trên khung H4.
+ Khi giá vào trong vùng quá bán trên khung H4, vào lệnh Buy để Mua.
+ Khi giá vào trong vùng quá mua trên khung H4, vào lệnh Sell để Bán.
Trên khung H4, các nhà đầu tư nên chờ đợi điểm vào lệnh để thực hiện lệnh cho chuẩn xác, không nên quá vội vàng, hấp tấp.
– Sử dụng chỉ báo RSI sau khi xác định xu hướng trên khung thời gian lớn
Tương tự với cách kết hợp RSI và đa khung thời gian, nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ này phục vụ việc phân tích với mục đích khác, đó là xác định xu hướng bất kỳ. Cách thực hiện như sau:
Bước 1: Sử dụng mô hình “cái nêm” xác định xu hướng trên khung thời gian lớn D1.
Theo như ví dụ trên đây, đường RSI không dịch chuyển vào vùng quá mua trên khung D1. Do đó, nếu không kết hợp với mô hình cái nêm như mô tả, có thể nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ thời điểm mấu chốt để vào lệnh.
Khi xu hướng giảm như trên hình, mô hình cái nêm tăng bị phá vỡ, nhà đầu tư nên bắt đầu tìm điểm để vào lệnh Sell ở khung H4.
Bước 2: Tìm điểm vào lệnh thích hợp trên khung H4
Khi RSI > 70, nhà đầu tư có thể vào lệnh Sell để Bán.
– Sử dụng RSI kết hợp với đường SMA
Dựa trên ý nghĩa của phân vùng quá mua hoặc quá bán, nhà đầu tư có thể sử dụng đường SMA 30 và SMA 100 kết hợp với chỉ báo RSI để chọn lọc những tín hiệu mua và bán tốt nhất.
Cách vào lệnh dựa trên SMA như sau:
+ Khi SMA 30 cắt lên SMA 100 và chỉ báo RSI > 50 thì vào lệnh Buy.
+ Khi SMA 30 cắt xuống SMA 100 và chỉ báo RSI < 30 thì thoát lệnh Buy.
+ Khi SMA 30 cắt xuống SMA 100 và chỉ báo RSI < 50 thì vào lệnh Sell.
+ Khi SMA 30 cắt lên SMA 100 và RSI > 70 thì thoát lệnh Sell.
– Sử dụng chỉ báo RSI kết hợp cùng Bollinger Bands
RSI là chỉ báo động lượng được sử dụng để dự đoán trước xu hướng thị trường và đưa ra tín hiệu vào lệnh. Còn Bollinger Bands là chỉ báo đưa ra thông tin về độ trễ sau giá.
Theo ví dụ phía trên đây thì có thể nhận thấy rằng:
+ Khi giá chạm Band dưới thì RSI cũng di chuyển vào vùng quá bán.
+ Ngược lại, khi giá chạm Band trên thì RSI dịch chuyển vào vùng quá mua.
Do đó, kết hợp RSI với Bollinger Bands sẽ giúp nhà đầu tư xác định được những tín hiệu rõ ràng hơn để đưa ra quyết định đặt lệnh đúng đắn hơn.
– Sử dụng RSI Failure Swing
Một trong những chiến lược được các nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu chính là RSI Failure Swing. Khi sử dụng phương pháp này thì việc duy nhất nhà đầu tư cần làm là quan sát tín hiệu RSI trong vùng quá mua và quá bán để đưa ra quyết định đặt lệnh.
Cách sử dụng RSI Failure Swing chi tiết như sau:
+ Chờ đợi và quan sát di chuyển vào vùng quá mua hoặc quá bán, sau đó đi ra khỏi vùng này.
+ Quan sát thời điểm RSI đi tới vùng cao nhất hoặc thấp nhất trước đó để bắt đầu vào lệnh.
Ta có thể phân tích dựa vào ví dụ phía trên như sau:
RSI di chuyển vào vùng quá bán và vượt ra ngoài. Sau đó, RSI di chuyển vào vùng quá bán nhưng chưa thực sự vượt qua. Cuối cùng, RSI vượt cao hơn đỉnh gần nhất ở phía bên trái, cũng chính là thời điểm thích hợp để vào lệnh Buy.
– Kết hợp RSI cùng với mô hình nến đảo chiều
Khi kết hợp RSI với mô hình nến đảo chiều, nhà đầu tư cần quan sát xu hướng dịch chuyển khi RSI đi vào vùng quá mua hoặc quá bán, nếu thấy mô hình nến đảo chiều thì nhanh chóng vào lệnh.
Ví dụ kết hợp RSI và mô hình nến đảo chiều như sau:
+ Khi cặp XAU/USD ở phía trên đã vượt qua vùng quá mua tại khung D1, đồng thời khi đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều (Evening Star) thì vào lệnh Sell.
+ Khi cặp XAU/USD ở phía trên đã vượt qua vùng quá bán tại khung D1, đồng thời khi đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều (Morning Star) thì vào lệnh Buy.
Trong trường hợp đường RSI đã đi vào vùng quá mua trên 3 lần và kết hợp với sự xuất hiện của mô hình nến đảo chiều (Bearish Engulfing) thì nên chuẩn bị vào lệnh Sell.
– Kết hợp với giao dịch phân kỳ
Khi xu hướng giá và chỉ báo RSI đi theo 2 hướng ngược chiều nhau sẽ tạo thành phân kỳ. Để áp dụng giao dịch phân kỳ, nhà đầu tư nên tham khảo hướng dẫn dưới đây của chúng tôi:
Trường hợp 1: Phân kỳ tăng
Khi giá đáy sau của cặp XAU/USD chạm ngưỡng thấp hơn đáy trước thì giá có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đường RSI lại đi theo chiều hướng lên trên, tức là dấu hiệu các nhà đầu tư nên chờ đợi xu hướng đảo chiều tăng giá của thị trường.
Trường hợp 2: Phân kỳ giảm
Khi giá đỉnh sau của cặp XAU/USD chạm ngưỡng cao hơn đỉnh trước thì giá có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đường RSI lại đi theo chiều hướng ngược xuống dưới, tức là dấu hiệu các nhà đầu tư nên chờ đợi xu hướng đảo chiều giảm giá của thị trường.
Trường hợp 3: Phân kỳ ẩn tăng
Khi giá đáy sau cao hơn đáy trước nhưng đường RSI lại ngược lại, có đáy sau thấp hơn đáy trước, tức là dấu hiệu của xu hướng tăng giá.
Trường hợp 4: Phân kỳ ẩn giảm
Khi giá đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nhưng đường RSI lại ngược lại, có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tức là dấu hiệu của xu hướng giảm giá.
Hiểu được định nghĩa RSI cùng ý nghĩa và cách vận dụng hiệu quả đường RSI kết hợp với những chỉ báo và phương pháp phân tích chuyên nghiệp khác sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định điểm vào lệnh thành công hơn.
Hy vọng với những thông tin mà Chứng khoán cho người mới bắt đầu cung cấp trong bài viết này, các nhà đầu tư và nhà giao dịch đã trang bị được cho bản thân những kiến thức cơ bản và cần thiết nhất để áp dụng vào hoạt động nghiên cứu và đầu tư của mình. Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về đầu tư. Chúc bạn thành công!