1. Cổ tức là gì?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là một khoản lợi nhuận ròng chi trả cho mỗi cổ phần, có thể bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện tất cả các nghĩa vụ về tài chính.

Nói một cách dễ hiểu hơn thì: Mỗi năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận sau thuế, trong đó:

+ Một phần của số lợi nhuận thu được đó sẽ được doanh nghiệp giữ lại và thực hiện tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, lập các quỹ dự phòng gọi là lợi nhuận được giữ lại.

+ Phần lợi nhuận còn lại được chi trả cho cổ đông gọi là cổ tức.

Số cổ tức được trích ra chi trả hàng năm sẽ được thông qua trước Đại hội cổ đông.

Ví dụ, phương án chi trả cổ tức năm 2020 được thông qua trong Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát như sau:

Cổ tức là gì? Ví dụ về chia cổ tức
Cổ tức là gì? Ví dụ về chia cổ tức

Như vây với 100 cổ phiếu Hòa Phát (HPG) bạn sẽ nhận được cổ tức 50000 VND (5% tiền mặt = 500đ x 100 cổ phiếu = 50000) và 35 cổ phiếu hòa phát (35% bằng cổ phiếu).

– Lý do trả cổ tức

Chính sách về cổ tức trong tiếng Anh có tên gọi là Dividend Policy. Chính sách chia cổ tức thể hiện rõ ràng quyết định giữa việc chia lợi nhuận cho cổ đông với việc giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Việc chi trả cổ tức cho cổ đông yêu cầu cá nhân cổ đông cần hoàn thành nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, bù đắp phần lỗ trước đó theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, tuân thủ đúng theo điều lệ của công ty.

Sau khi trả hết cổ tức đã thỏa thuận, công ty cần đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ và những nghĩa vụ tài sản, tài chính khác đúng hạn.

2. Có những loại cổ tức nào?

Hiện nay, có 2 loại cổ tức phổ biến nhất là:

  • Cổ tức tiền mặt
  • Cổ tức cổ phiếu 

3. Cổ tức bằng tiền là gì?

Cổ tức bằng tiền là cổ tức được trả bằng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông của công ty.

Đối với thị trường chứng khoán tại Việt Nam, khi một doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền, tức là sẽ dựa trên mệnh giá cổ phiếu (giá trị tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu) và không tính dựa trên giá cổ phiếu của thị trường giao dịch hàng ngày.

Ví dụ: Tổng Công ty A trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 4%, tức là có thể tính được giá trị 1 cổ phiếu A là: 10.000 x 4% = 400 đồng.

Khi chi trả cổ tức bằng tiền, cần lưu ý 3 điều sau:

+ Trả cổ tức bằng tiền phải thực hiện bằng tiền Việt Nam Đồng hoặc chi trả bằng séc, chuyển khoản hoặc lệnh trả tiền gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ của cổ đông.

+ Người nhận cổ tức bằng tiền mặt không cần làm bất cứ thủ tục nào, chỉ cần chờ đến ngày thực hiện quyền, cổ tức sẽ được trả về tài khoản của người nhận.

+ Cổ tức bằng tiền phải chịu mức thuế là 5%.

4. Cổ phiếu cổ tức là gì?

4.1 Định nghĩa và ví dụ cổ phiếu cổ tức

Cổ tức trả bằng cổ phiếu là hình thức phổ biến ở nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển tốt.

Khi đó, doanh nghiệp đang cần giữ lại nguồn lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do đó việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là không phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phát hành thêm cổ phiếu (zero-cost) hoặc sử dụng nguồn cổ phiếu quỹ (nếu có) của doanh nghiệp để tiến hành chi trả cổ tức cho cổ động.

Ví dụ: Công ty B trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ là 15%, tức là cứ 100 cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ sẽ được công ty B chi trả thêm 15 cổ phiếu mới.

Khi chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, cần lưu ý những điều sau:

+ Trong trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo như Quy định của Luật doanh nghiệp 2020 – Điều 123, Điều 124 và Điều 125.

+ Công ty cần đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá của các cổ phần đã dùng để chi trả cổ tức trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chi trả cổ tức cho cổ đông.

+ Khi bán cổ phiếu cổ tức, người bán sẽ phải chịu khoản thuế thu nhập cá nhân là 5%.

4.2 Cổ phiếu cổ tức khi nào được bán

Sau khi nhận được cổ phiếu cổ tức, nhà đầu tư có thể tiến hành giao dịch bán cổ phiếu cổ tức theo thời gian phát hành của cổ phiếu. Thông thường, sau khoảng 1-2 tháng, cổ đông mới nhận được cổ phiếu cổ tức từ việc chia cổ phần. Do đó, ngay khi nhận được thông báo về việc nhận cổ phiếu cổ tức, người nhận có thể bán cho bất cứ ai theo giá trị giao dịch trên thị trường.

Ví dụ: Công ty C chia cổ phiếu cổ tức 32% ngày 27/05/2021 với tổng số lượng gần 1,14 tỷ cổ phiếu. Số cổ phiếu này của C niêm yết trên sàn vào ngày 21/06/2021. Đến ngày 28/06/2021, các cổ đông có thể tiến hành giao dịch những cổ phiếu này của C hoàn toàn bình thường. Từ đó, có thể thấy rằng khoảng 1 tháng tính từ ngày chia cổ tức cho cổ đông, cổ phiếu cổ tức có thể được tiến hành giao dịch mua bán bình thường.

5. Tỷ lệ chi trả cổ tức là gì?

Tỷ lệ chi trả cổ tức là tỷ lệ của tổng số giá trị bằng tiền của cổ tức được chi trả cho các cổ đông dựa trên thu nhập ròng của công ty. Con số này được tính phần trăm thu nhập dạng cổ tức để chi trả cho cổ đông. Số tiền không được chi trả cho cổ đông sẽ được phía công ty giữ lại trả nợ hoặc tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh phát triển doanh nghiệp.

Tỷ lệ chi trả cổ tức thể hiện tỷ lệ chi trả cho cổ đông so với số tiền mà công ty đang nắm giữ để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh, trả nợ hoặc các hoạt động khác…

Tỷ lệ chi trả cổ tức được tính theo công thức sau:

Tỷ lệ chi trả cổ tức = Cổ tức hàng năm (trên mỗi CP) / Lợi nhuận (trên mỗi CP) = Cổ tức / Thu nhập ròng

Ngoài ra, có thể tính tỷ lệ chi trả cổ tức theo công thức sau:

Tỷ lệ chi trả cổ tức = 1 – Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại

6. Chốt quyền nhận cổ tức là gì?

Chốt quyền nhận cổ tức là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông sẽ sở hữu cổ phiếu để có thể bắt đầu thực hiện quyền cổ đông.

Tại ngày chốt quyền nhận cổ tức, tất cả những cổ đông có tên trong danh sách sẽ bắt đầu được nhận quyền của mình, bao gồm: quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm hay quyền tham dự Đại hội cổ đông,…

Ngày chốt quyền nhận cổ tức hay ngày đăng ký cuối cùng được tính là ngày làm việc liền sau của Ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ đông.

7. Ngày giao dịch không hưởng cổ tức là gì

Ngày giao dịch không hưởng cổ tức (ngày giao dịch không hưởng quyền) là ngày làm việc liền trước của Ngày chốt quyền nhận cổ tức (ngày chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu hay ngày đăng ký cuối cùng). Mục đích của ngày giao dịch không hưởng cổ tức là để chốt danh sách hoàn chỉnh và trong thời gian này, người mua sẽ không được hưởng những quyền như: quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm hay quyền tham dự Đại hội cổ đông,…

Tại sao cần có ngày đăng ký cuối cùng và ngày giao dịch không hưởng quyền?

Theo quy định hiện hành, thời hạn yêu cầu thanh toán đối với những giao dịch bình thường là: T+2. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được nhận cổ phiếu hoặc tiền mặt về tài khoản sau 02 ngày làm việc.

Do đó, khi phát sinh giao dịch mua cổ phiếu trước hoặc sau Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách, nhà đầu tư sẽ không được có tên trong danh sách hưởng quyền bởi vì giao dịch đó chưa được thanh toán.

Ngày giao dịch được hưởng quyền và ngày giao dịch không hưởng quyền
Ngày giao dịch được hưởng quyền và ngày giao dịch không hưởng quyền

Nếu nhà đầu tư muốn có tên trong danh sách cổ đông được hưởng quyền thì cần tiến hành giao dịch mua cổ phiếu từ trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

8. Giá cổ phiếu sau khi trả cổ tức

Sau ngày chốt danh sách hưởng quyền, giá cổ phiếu thường giảm nhưng giá trị tài sản của người hưởng thì vẫn còn nguyên. Bởi lẽ, tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư trước và sau khi chia cổ tức đều bằng nhau. Bản chất việc chia cổ tức chỉ khiến thị giá cổ phiếu giảm xuống nhưng số lượng cổ phiếu tăng lên thì các nhà đầu tư có thể dễ dàng mua cổ phiếu hơn.

Khi xuất hiện thông tin chia cổ tức, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị tác động nên giá cổ phiếu sau ngày đăng ký cuối cùng thường sẽ có xu hướng tăng mạnh.

Phân tích kỹ hơn về giá cổ phiếu sau khi trả cổ tức, bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết này: Hiểu 100% về ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày đăng ký cuối cùng trong 5 phút

Tóm lại, thông tin về việc trả cổ tức sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn đối với các nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch. Do đó, bạn cần nắm vững những kiến thức về cổ tức là gì, việc trả cổ tức nói chung và đặc biệt là những khái niệm, số liệu liên quan đến hoạt động này để áp dụng vào hoạt động đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có được những kiến thức cần thiết cho bản thân. Chúc bạn đầu tư thành công và đừng quên tiếp tục theo dõi những thông tin mới nhất trong những bài viết tiếp theo của Chứng khoán cho người mới bắt đầu!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây